Xây dựng và phát triển con người Việt Nam về mặt đạo đức Xây dựng và phát triển đạo đức là nhu cầu thiết yếu, khách quan của xã hội. Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng việc bồi dưỡng và giáo dục đạo đức cách mạng cho con người Việt Nam vì Người coi đạo đức là cái gốc, là cái căn bản của người cách mạng. Gọi là đạo đức cách mạng vì nó được hình thành và phát triển qua cuộc đấu tranh gian khổ và hy sinh xương máu của dân tộc Việt Nam. Đạo đức cách mạng có nhiều khía cạnh trong đó có các nội dung như: tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân; có tinh thần hy sinh cho cách mạng, có tinh thần trách nhiệm để vượt mọi khó khăn, bất kỳ cương vị nào, ở bất kỳ làm công việc gì đều không sợ khó, sợ khổ, đều một lòng một dạ phục vụ lợi ích của giai cấp, của nhân dân, đều nhằm mục đích xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đạo đức cách mạng là “đạo đức mới, đạo đức vĩ đại, nó không vì danh vị cá nhân, mà vì lợi ích của Đảng, của dân tộc, của loài người” , người làm cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng thì mới hoàn thành những nhiệm vụ cách mạng vẻ vang, “cũng như sông có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo, người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi đến mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân” . Chính vì vai trò quan trọng của đạo đức cách mạng cho nên Hồ Chí Minh cho rằng cần phải nâng cao sự hiểu biết cho con người, làm cho con người hiểu một cách sâu sắc về vai trò quan trọng của đạo đức cách mạng trong quá trình hình thành nhân cách cũng như trong hoạt động thực tiễn. Nội dung giáo dục đạo đức cách mạng theo Hồ Chí Minh có nhiều vấn đề với những tri thức phong phú, trong đó Người tập trung vào giáo dục những kiến thức về thiện và ác; về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; về trung hiếu…